Tờ khai báo y tế là gì? Vì sao cần phải khai báo y tế kịp thời?

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lây lan qua đường hô hấp trên diện rộng ngày càng phức tạp, việc khai báo y tế qua các kênh online (Website), ứng dụng thông minh (Mobile App) và trực tiếp tại các cơ sở y tế là điều cần thiết và cực kì quan trọng, góp phần khoanh vùng nhanh chóng vùng dịch, đẩy lùi nguy cơ lây nhiễm một cách nhanh nhất.

Tờ khai báo y tế là gì?

Tờ khai y tế là một bảng câu hỏi cung cấp những thông tin cá nhân, hành trình di chuyển và một số thông tin về sức khoẻ của người dân trong cả nước, khách du lịch, người ngoại quốc,… Khai báo y tế giúp xác nhận tình trạng sức khoẻ của bạn có đảm bảo để di chuyển bằng các phương tiện máy bay, xe khách, tàu hoả được hay không.

Nhất là trong những thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát lan rộng như hiện nay thì khai báo y tế qua các kênh thông tin chính thống từ Bộ Y tế hoặc các Bệnh viện, Cơ sở Y tế tại Việt Nam,… chính là căn cứ để bạn có một hành trình an toàn mà không cần sự hỗ trợ y tế đặc biệt, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Tờ khai y tế

Vì sao cần phải khai báo y tế kịp thời?

Khai báo y tế kịp thời không chỉ cập nhật tình hình sức khoẻ của bạn trên hệ thống y tế toàn dân mà còn giúp các cơ quan ban ngành liên quan có cơ sở để xác định nghi vấn về những vùng có nguy cơ bùng phát dịch trên lãnh thổ, và có hướng dập dịch, đẩy lùi nguy cơ bệnh tật một cách triệt để. Vì vậy, dù có bất cứ dấu hiệu nào về sức khoẻ cá nhân, bạn cần khai báo trung thực bằng cách điền vào tờ khai nhé!

Các hình thức khai báo y tế hiện nay

Hiện nay, có rất nhiều hình thức khai báo y tế để bạn lựa chọn. Bạn có thể điền tờ khai y tế trực tuyến (online) hoặc trực tiếp tại các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc.

  • Cách 1: Truy cập https://tokhaiyte.vn, điền đầy đủ thông tin vào tờ khai y tế, và nhấn nút Gửi. Đừng quên lưu lãi mã QR Code sau khi hoàn thành khai báo y tế để cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra.

  • Cách 2: Truy cập vào các website https://suckhoetoandan.vn/khaiyte và điền đầy đủ các thông tin cá nhân, thông tin sức khoẻ của bản thân và gửi vào hệ thống. Sau đó nhận mã QR để khai báo tại các đơn vị chức năng.

  • Cảch 3: Cài đặt ứng dụng thông minh NCOVI trên điện thoại smartphone. Rồi thực hiện các bước khai báo y tế theo biểu mẫu có sẵn. Chọn “Tôi cam kết các thông tin khai báo là đúng sự thật và đồng ý chia sẻ vị trí để cơ quan chức năng có thể hỗ trợ tốt nhất” và nhấn KHAI BÁO.

Bên cạnh việc giúp người dùng khai báo y tế trực tuyến nhanh chóng và đơn giản, NCOVI luôn cập nhật tin tức về dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu, lãnh thổ Việt Nam; số ca mắc bệnh, số ca tử vọng, số ca được chữa khỏi,… và một số thông tin khác.

  • Cách 4: Khai báo y tế tại các Cơ sở Y tế địa phương bằng mẫu tờ khai dạng giấy in sẵn. Bạn chỉ cần điền thông tin chính xác và gửi lại.

Nếu trốn tránh khai báo y tế sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nếu phát hiện bản thân hoặc người khác có triệu chứng mắc Covid-19 mà không kịp thời thời khai báo y tế hoặc khai báo y tế gian dối thì có thể bị phạt hành chính từ 10-20 triệu đồng. Cụ thể như sau:

  • Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

  • Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;

  • Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Bên cạnh đó, việc không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh với nhân viên y tế cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 117 với mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng.

Người không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối khiến lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, mức phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 5-10 năm làm chết 1 người do lây truyền dịch bệnh. Hoặc làm dẫn đến việc phải công bố dịch diện rộng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế.

Nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết từ 2 người trở lên, người phạm tội thậm chí còn có thể bị áp dụng mức phạt tù từ 10-12 năm. Hình phạt bổ sung của Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người là phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hãy trung thực khai báo y tế và liên hệ với các sở y tế địa phương gần nhất nếu có những dấu hiệu, triệu chứng của Covid-19 để cơ quan chức năng xác định tình trạng bệnh và có hướng xử lý, cách ly, phong toả,… phù hợp.

Chúc các bạn mua sắm an toàn và sức khoẻ bình an!