Mâm ngũ quả ngày Tết: Ý nghĩa và những điều cần biết

Bày tỏ lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên và mang may mắn, tài lộc cho gia đình, mâm ngũ quả chứa đựng nhiều ý nghĩa, và là một phần không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên mỗi khi Tết đến Xuân về. Mâm ngũ quả là gì, ý nghĩa ra sao và những kiêng kỵ khi bày mâm ngũ quả sẽ được giải đáp cặn kẽ ở bài viết chia sẻ dưới đây. Cùng tham khảo nhé!

Mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả là gì?

Theo phong thuỷ, mâm ngũ quả với đại diện là 5 loại quả có màu sắc khác nhau tương ứng với 5 màu sắc trong Ngũ hành. Đó là Kim - Màu trắng, Mộc - Màu xanh, Thủy - Màu đen, Hỏa - Màu đỏ, Thổ - Màu vàng.

Ngoài ra, mâm ngũ quả còn tượng trưng những ước nguyện của gia chủ về một cuộc sống ngũ phúc, tức là Phúc - May mắn; Quý - Giàu có, sang trọng; Thọ - Sống lâu; Khang - Khỏe mạnh; và Ninh - Bình yên. Đây là điều mà gia đình nào cũng mong ước trong cuộc sống, nhất là trong dịp chia tay năm cũ, đón chào năm mới đang cận kề.

Trải dài dải đất hình chữ S, từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam, cách trình bày mâm ngũ quả có phần khác nhau tuỳ vào văn hoá từng vùng miền với các đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, cùng các quan niệm “ngầm” tích luỹ qua hàng nghìn năm.

Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

Bày mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên là việc làm truyền thống không thể nào bỏ qua của người dân đất Việt. Với tâm niệm, đây là những gì tinh tuý nhất được chọn lọc để kính dâng lên thần linh, tổ tiên, cầu mong một năm mới vạn sự như ý và an khang thịnh vượng. Do đó, bạn cần hiểu rõ từng loại quả trong quá trình xếp mâm ngũ quả.

Chẳng hạn như Chuối xanh sẽ tượng trưng cho sự bao bọc, chở che, nguyện ước gia đình sum vầy, đầm ấm bên nhau; Bưởi vàng - Sự an khang, thịnh vượng; Thanh long đỏ - Rồng mây hội tụ, sự phát tài phát lộc; Đu đủ vàng - Trọn vẹn, đủ đầy; Cam, quýt - Tượng trưng cho sự thành đạt; Dưa hấu - Hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn; Xoài (“xài”) - Cầu mong sự sung túc, tiền xài không thiếu,…

Cách chọn trái trên mâm ngũ quả ngày Tết

Đối với mâm ngũ quả miền Bắc thường có các loại quả chính sau:
- Chuối xanh mang đến sự sum vầy, đầm ấm.
- Bưởi xanh thể hiện mong ước cuộc sống an khang, thịnh vượng, sung túc.
- Phật thủ tượng trưng cho bàn tay Phật chở che.
- Đào: Sự thăng tiến.
- Hồng xiêm: Nguyện ước phúc lộc.
- Quýt/ Cam: Sự thành đạt.
- Táo: Phú quý, giàu sang.
- Lựu: Con đàn, chấu đống.
- Đu đủ: Sự trọn vẹn, đủ đầy, vạn sự như ý.

Khi bày lên mâm, các loại quả được sắp xếp rất đẹp mắt. Nải chuối xanh đặt ở dưới cùng, đỡ lấy toàn bộ các loại quả khác. Ở trên lần lượt đặt phật thủ, hồng, lê, cam/ quýt xung quanh, tạo thành một vòng tròn sung túc trái.

Miền Nam và miền Trung có sự khác biệt hơn về việc lựa chọn những loại quả sắp xếp trên mâm ngũ quả. Với tâm niệm “Cầu sung vừa đủ xài” hay “Cầu vừa đủ xài sung”, ở miền Nam, người ta thường chưng 5 loại quả chính là: Mãng cầu, quả sung, trái dừa (“vừa”(, đu đủ và xoài (“xài”). Đặc biệt, trong mâm ngũ quả ở miền Trung thường có một nải chuối ngự (chuối cau) tuy quả nhỏ nhưng có hương thơm.

Người miền Nam không bày chuối lên mâm ngũ quả vì lo lắng sẽ “chúi nhụi” trong năm mới, dễ gặp phải những điều không may mắn. Và cả cam/ quýt cũng không xuất hiện trong mâm ngũ qua của các gia đình miền Nam vì “quýt làm cam chịu”, chưng cam, quýt năm mới sẽ gặp nhiều tình cảnh éo le, khó khăn.

Một số lưu ý về mâm ngũ quả ngày Tết

Mâm ngũ quả được chuẩn bị vào chiều 29,30 và đặt trên bàn thờ chính một cách trang trọng và đẹp mắt. Nhưng cũng có nhiều gia đình bảy biện mâm ngũ quả rất sớm, khoảng 25 Tết, sau khi cúng Ông Công, Ông Táo.

Khi lựa chọn những loại quả để bày biện trên mâm ngũ quả, bạn không nên chọn những loại quả quá chín, vỏ ngoài xấu, bị dập,… vì phải đặt trên bàn thờ từ 4-5 ngày. Do đó, cần tính toán thời gian và lựa chọn loại quả có độ chín thích hợp để mâm ngũ quả luôn xanh tươi mơn mởn.

Trước khi bày biện các loại quả trên mâm, không nên rửa quá kĩ vì như vậy sẽ làm các loại quả bị mau héo, nhiều quả bị dính nước, đọng nước có thể gây thối rửa sớm. Và nên tìm kiếm những cửa hàng trái cây uy tín để mua sắm, chọn quả không bị trầy, không bị dập, phần cuống và cành lá xanh ngắt thì thời gian tươi càng được lâu hơn.

Đế chưng mâm ngũ quả ngày Tết: LINK MUA SẮM!

Hy vọng với những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về truyền thống mâm ngũ quả mỗi dịp Tết đến Xuân về trong văn hoá của người Việt. Và từ đó, có thêm kinh nghiệm để bày biện mâm ngũ quả cho gia đình mình trọn vẹn ý nghĩa để đón chào năm mới bình an.

Chúc các bạn một năm mới bình an, vạn sự như ý!