Mộc Châu không chỉ được biết đến như là một địa điểm du lịch đầy hứa hẹn của Tây Bắc mà còn là nơi có nhiều món đặc sản cực kỳ thú vị của đồng bào dân tộc nơi đây. Nếu bạn đang có ý định ghé Mộc Châu dịp tới thì không nên bỏ qua 7 món đặc sản sau đây.
Xem thêm: Update những điểm đến không thể bỏ lỡ tại Mộc Châu mùa đông này
Cá Hồi
Cá Hồi là một món ăn không phải chỉ ở Mộc Châu mới có nhưng với cách chế biến cực lạ của người dân nơi đây khiến chúng trở thành đặc sản nổi tiếng vùng thảo nguyên xanh này.
Cá Hồi ở Mộc Châu không giống như các loại cá hồi di cư thường thấy, chúng là loại cả đời sống trong môi trường nước ngọt. Cá được người dân nuôi thành công trong các hồ nước ở nhiệt độ thấp, có vị ngọt và săn chắc hơn so với các loại hay bày bán ở siêu thị thông thường.
Cá Hồi Mộc Châu được chế biến thành nhiều món khác nhau như lẩu, chiên, gỏi sống, súp, cháo… Tuy nhiên món đặc sắc nhất có lẽ vẫn là sashimi – phi lê cá hồi sống ăn kèm mù tạt và nước tương. Điểm đặc biệt ở chỗ các gia vị ăn kèm sáng tạo hơn so với sashimi ở các quán ăn Nhật Bản, vì có thêm tía tô, cải mèo, dứa cắt lát dài và củ cải trắng bào sợi đậm chất Tây Bắc.
Đến Mộc Châu, người địa phương thường khuyên bạn thử cá hồi ở các quán như Vườn Đào, 64, Xuân Bắc, Tám Béo… Nhưng có một lưu ý nhỏ là vào các dịp lễ hay cuối tuần các quán này thường rất đông nên nếu muốn bạn hãy nhớ đặt trước chỗ để tránh hết bàn nhé.
Bê chao Mộc Châu
Bê chao là món ăn tiếp theo mà bạn nhất định phải thưởng thức khi đến cao nguyên Mộc Châu. Món ăn này nổi tiếng ở Mộc Châu đến mức mà nhiều người thường truyền tai nhau rằng: “Đến Mộc Châu mà chưa thưởng thức bê chao thì chưa gọi là đến Mộc Châu”.
Để làm ra được món bê chao thơm ngon người đầu bếp đầu tiên phải lựa được loại thịt bê non đủ cả nạc lẫn mỡ và bì, sau đó cũng phải sơ chế thật khéo để thịt không bị hôi, xắt miếng vừa ăn rồi đem ướp với gia vị riêng của vùng Tây Bắc (bật mí là thường có gừng, sả, tiêu, mắc khén rừng…) và cuối cùng là chao trong chảo dầu nóng già.
Bên cạnh đó, điều làm thịt bê Mộc Châu trở nên đặc biệt là người ta thường sử dụng loại bê chăn thả tự nhiên trên các vách núi vùng thảo nguyên để đưa vào chế biến. Vì thế thịt bê thường săn chắc và ngọt thịt hơn so với các loại nuôi công nghiệp thường thấy và không hề có các chất bảo quản hay tăng trọng trong thịt.
Dưới cái rét se se của núi rừng, được thưởng thức đĩa bê chao nóng hổi thơm, ngọt hòa quyện với nước tương sánh đặc được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ, ăn kèm với rau sống xanh mượt, tươi non của vùng đất cao nguyên thì còn gì bằng.
Xôi ngũ sắc của đồng bào Thái
Xôi ngũ sắc là món ăn độc đáo của người dân tộc Thái Mộc Châu. Thông thường xôi ngũ sắc thường bao gồm 5 màu: đỏ, vàng, trắng, xanh, nâu (hoặc tím) tượng trưng cho ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Năm màu của loại xôi ngũ sắc này không hề được nhuộm bằng bất kỳ loại phẩm màu nào mà đều được lấy từ lá loại cây rừng có lợi cho sức khỏe.
Nguyên liệu để làm xôi ngũ sắc cực kỳ đơn giản chỉ bao gồm gạo nếp ngon và các loại lá nhuộm màu cho gạo thôi. Để làm ra món xôi ngũ sắc ngon người ta phải vo sạch gạo rồi ngâm từ 5 đến 8 tiếng với muối trắng để gạo có độ nở, sau đó thành nhiều phần để nhuộm màu cho gạo.
Xôi ngũ sắc được đựng vào các cóng xôi bằng tre, đủ 5 màu cực kỳ bắt mắt. Bạn có thể bắt gặp món đặc sản này tại các nhà hàng của người dân tộc Thái khu vực Rừng thông bản Áng, hoặc khu vực Thác Dải Yếm. Xôi nóng ăn cùng vừng hoặc ruốc gà Mộc Châu chắc chắn sẽ làm bạn nhớ mãi.
Cải mèo
Ở vùng cao Tây Bắc, cải mèo là món rau bổ dưỡng, hương vị đặc biệt. Chả thế mà du khách mỗi khi tới đây đều bị món ăn bình dân này vương vấn để khi về ai cũng đem theo ít nhất một bó cải mèo như một món quà từ chín tầng mây của đất trời Tây Bắc.
Thông thường cải mèo Mộc Châu chỉ có vào mùa đông và mùa xuân. Thứ rau này vốn được bà con ở đây trồng tự nhiên trên nương, rẫy để phục vụ nhu cầu của gia đình và thết đãi khách khứa.
Vài năm trở lại đây do nhu cầu ăn cải mèo của khách du lịch tăng cao, nên bà con dân tộc đã biết trồng để bán, để kinh doanh. Dù vậy cách thức trồng vẫn còn nhiều thô sơ nên cải mèo Mộc Châu vẫn giữ được những hương vị đặc trưng của nó.
Cải mèo chế biến rất đơn giản, thì cần luộc 5-10 phút với nước sôi đập cùng vài lát gừng, chấm nước mắm hoặc xì dầu thì ngon hết ý.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp vốn là món ăn của người Thái đen Mộc Châu, sau này đã trở nên cực kỳ phổ biến và trở thành đặc sản nức tiếng cao nguyên Tây Bắc.
Loại thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu nhà thả rông trên các sườn đồi. Khi chế biến, người ta sẽ lóc các thớ thịt ra thành từng miếng con chì và thái dọc thớ, ướp muối, ớt, hạt dổi, mắc khén, tiêu… rồi hun bằng khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại. Khi ăn thì đem bọc lá chuối nướng lại trong bếp than rồi xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu. Thịt trâu ngon là khi hun vừa ráo không bị quá khô, các thớ thịt xé ra có màu hồng vị cay cay đảm bảo cực kỳ tốn mồi nhất là với các đấng mày râu.
Trước đây thịt trâu gác bếp được người dân Mộc Châu coi là thức quà biếu nhau mỗi dịp tết đến xuân sang, nên rất khó để tìm mua vào các dịp bình thường trong năm. Nhưng do nhu cầu tăng cao, giờ đây đặc sản này được bày bán quanh năm tại nhiều cửa hàng, quán ăn nên bạn có thể dễ dàng tìm mua khi đến Mộc Châu.
Cá suối nướng
Ngoài các món kể trên, Mộc Châu còn nổi tiếng với món cá suối tự nhiên ngon hết sảy. Đây là món ăn nhất định du khách nào cũng nên thử khi đến đây.
Cá suối Mộc Châu không lớn có con chỉ bé xíu như ngón tay út, có con nhỉnh hơn hai ngón tay. Những con cá này thuộc nhiều loại khác nhau, không có tên gọi cụ thể, người ta chỉ gọi chung là cá suối cho dễ nhớ.
Cá được bắt từ dưới suối trong mát, sau khi qua sơ chế rửa sạch, bỏ ruột, rồi đem qua ướp cùng các gia vị như mắc khén, rau thơm, gừng, xả, ớt… rồi đem kẹp trong hai thanh tre, sau đó đem nướng trên bề mặt than củi chừng 15 phút. Để thật nhỏ lửa cho cá chín vàng đều. Cá suối nướng sẽ tăng thêm thập phần hấp dẫn nếu đem chấm với mắm tỏi hoặc tương ớt cay.
Ốc đá suối Bàng
Đây là một trong những món ăn có thể nói là “khó kiếm” nhất trong danh sách món ăn đặc sản Mộc Châu, vì ốc đá Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8 hàng năm, khi thời tiết trở nên ẩm ướt. Loại ốc này ưa sống ở những nơi ẩm có nhiều cây cối bởi chúng hay vùi mình trong những lớp lá dày và chỉ có thể tìm thấy ở trên núi mà thôi.
Ốc sau khi được bắt về, không được xào ngay, mà phải ngâm ít nhất là qua đêm vì nó chiết xuất ra nhiều nhớt. Ốc đá ở đây thường được nấu thành canh, hay đơn giản là luộc với xả ớt, chấm mắm, làm gỏi….
Thịt ốc có vị ngọt, giòn và không có mùi tanh như những loại ốc khác bởi ốc đá chỉ ăn lá cây nên thường hòa cùng mùi thơm của lá cây nơi núi cao, chính những điều đó đã làm nên mùi vị đặc biệt của loại ốc này. Khi ăn, phải ăn chậm, nhai kĩ thì mới cảm nhận được đầy đủ vị ngon của món ăn này.
Mộc Châu là mảnh đất được thiên nhiên ưu ái không chỉ về các thắng cảnh tự nhiên, khí hậu trong lành mà đây còn là nơi giao hòa của nhiều nét văn hóa ẩm thực dân tộc khác nhau. Đến với Mộc Châu bạn sẽ được thưởng thức cả cảnh đẹp lẫn những món ăn dân dã ngon quên lối về. Vì vậy đừng chần chừ, ghé thăm mảnh đất cao nguyên thơ mộng này ngay để có cơ hội thưởng thức những đặc sản mê hồn này nhé.