Những món ăn nên thử khi ghé thăm Quảng Nam

Đến với miền Trung mà không thử ngay những món ăn đặc sản mang hương vị xứ Quảng thì quả là một điều thiếu sót. Với sự dân dã trong cách chế biến, đậm đà và thuần khiết, các món ngon Quảng Nam khiến ai cũng tấm tắc khen ngợi và luôn lựa chọn mỗi khi ghé thăm các địa danh ở khu vực này.

Mì Quảng

Quảng Nam nằm ờ đâu?

Quảng Nam là một tỉnh thành nằm ở trung tâm của dải đất hình chữ S Việt Nam. Đây là một trong những tỉnh thành có vị trí địa lý thuận lợi. Phía Bắc giáp với Đà Nẵng, phía Nam giáp với Quảng Ngãi, phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp với nước bạn Lào. Điều này giúp việc kết nối với các tỉnh thành khác trong nước và quốc tế diễn ra dễ dàng hơn. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, người dân cần cù, chịu khó, đã đưa Quảng Nam trở thành một trong những điểm sáng thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ẩm thực Quảng Nam có gì đặc sắc?

Tại Quảng Nam, có rất nhiều món ăn ngon, gọi là đặc sắc ẩm thực, nổi tiếng trứ danh ba miền. Có thể kể đến như: Mì Quảng, Cao Lầu, Cơm Gà Tam Kỳ, Bánh Tráng Cuốn Thịt Heo, Bánh Tráng Đập, Bánh Tổ, Rượu Hồng Đào, Nem Nướng, Bánh Xèo, Hến Xúc Bánh Tráng, Mít Trộn, Bánh Bèo,…

Tuy rằng, đến bất cứ tỉnh thành nào trong cả nước, bạn đều có cơ hội thưởng thức những món ngon này. Nhưng riêng chỉ có ngay tại mảnh đất xứ Quảng, ta mới cảm nhận được hương vị đặc trưng tuyệt hảo nhất, do chính tay người con đất Quảng chế biến tận tâm.

Mì Quảng

Là món ăn số 1 mà bạn nên thử ngay khi đến Quảng Nam, mì Quảng thường được làm từ bột gạo xay mịn cùng với nước hạt dành dành và trứng. Để tạo ra các sợi mì có màu vàng tươi đẹp mắt được cắt mỏng khoảng 5mm, người bán phải tráng mì thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang đều đặn từng khúc một.

Mì Quảng có rất nhiều vị, nhưng nổi bật nhất vẫn là thứ nước lèo đậm đà được hầm từ xương heo nguyên chất. Tiếp theo đó là các nguyên liệu như gà/ tôm/ sườn heo/ bò/ ếch/ cá lóc/ chả bò,… cùng bánh tráng nướng mè giòn tan, thơm lừng phủ lên trên lớp mì cùng lạc rang truyền thống.

Tất cả hoà quyện với nhau, tạo nên một tô mì Quảng chất lượng, tâm huyết người nấu và đầy bổ dưỡng. Bên cạnh đó, mì Quảng phải ăn kèm với các loại rau sống tươi ngon như: Húng quế, xà lách tươi, cải non, giá trắng, ngò rí, rau răm,… thì mới đúng điệu, làm thực khách lưu luyến khó phai.

Bánh Bèo

Khác hẳn với bánh bèo xứ Huế, bánh bèo Quảng Nam chân chất giống y như con người nơi đây vậy, đây là món ăn để ăn no chứ không phải để ăn chơi. Phần nhân bánh ăn kèm bánh bèo là thành phần chính, tạo nên vị đặc trưng của bánh bèo xứ Quảng. Nhân hay “nhưn” này được làm từ tôm, thịt nạc, nấm mèo bằm nhuyễn thành một hỗn hợp đặc quánh có màu cam tươi rất bắt mắt.

Theo đúng cách của người Quảng, trước khi ăn, bạn phải thoa đều lên mặt bánh bèo một lớp dầu phộng phi hành béo ngậy. Sau đó, đổ nhân bánh vào và cuối cùng là rắc một ít đậu phụng rang giã nhỏ lên trên lớp nhân. Nước mắm ăn kèm được pha từ nước mắm nguyên chất rất mặn, ăn kèm với ớt cay đến phê lòng.

Hến Trộn Xúc Bánh Tráng

Mộc mạc, đậm đà và bình dị, hến xúc bánh tráng được xem là đặc sản của vùng đất Hội An xinh đẹp. Bánh tráng giòn giòn cùng vị hến tươi ngon và hương thơm của những tép hành phi chín tới và lạc rang đúng điệu đã kết hợp với nhau và khiến cho món ăn trở nên đặc biệt và lạ lùng.

Thêm chút cay cay của ớt tươi, rau húng, rau răm phủ lên trên cùng, tuy cay đấy nhưng ngon miệng đến thoã mãn. Muốn ăn hoài không thôi!

Mít Trộn

"Ai về nhắn với bạn nguồn,
Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Câu hát ấy đã nhắc ngay đến món mít trộn đặc biệt, thứ đặc sản thơm ngon, độc đáo của người dân xứ Quảng, mà bạn không thể nào bỏ qua mỗi khi đến nơi đây. Mít trộn ngon nhất là làm đúng vào mùa mít non, nhằm vào tháng 2 đến tháng 4 âm lịch.

Ngày trước, người Quảng thường trộn mít với cá chuồn hấp. Nhưng giờ, mít trộn thường kết hợp với thịt ba chỉ hay tôm lột, những nguyên liệu phổ biến và dễ tìm mua hơn. Cùng với đậu phộng rang giã dập và một ít rau quế, rau húng và bắp chuối sứ xắt mỏng, mít trộn thơm ngọt mà xúc cùng bánh tráng nướng, chấm nước mắm cay cay thì miễn chê luôn.

Cao Lầu

Gắn liền với địa danh phố cổ Hội An, cao lầu xứ Quảng xuất hiện từ thế kỷ 17, tinh tuý nhất ở những sợ mì đặc biệt, thường được chế biến rất công phu và tỉ mẩn. Được làm từ những hạt gạo thơm, trắng ngần đem ngâm vào nước tro, lấy ở tận Cù lao Chàm, một hòn đảo cách thành phố Hội An 16km về phía Đông.

Ngâm gạo trong loại nước này mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Khi đã ngâm xong, nó được đem đi lọc kỹ, xay thành bột. Rồi tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng, đem xắt sợi và đem hấp nhiều lần. Sau đó, đem phơi khô để làm sợi mì cao lầu dù để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Cao lầu không ăn với nước lèo, thay vào đó là nước sốt làm từ thịt xá xíu, để vị thêm đậm dà, ngon miệng. Bên trên bề mặt của cao lầu thường có thịt heo nạc đã kho mặn, da heo chiên giòn, đậu phộng rang giã nhỏ và rau sống tươi sạch. Ngoài ra, khi ăn cao lầu, bạn còn được cho thêm một chén nước mắm ớt cay vừa để chan vào, nếu như chưa vừa miệng.

Cơm Gà Tam Kỳ

Đi dọc dải đất miền Trung, chắc có lẽ, không ai là không dừng chân tại một quán xá nào đó và thưởng thức món cơm gà Tam Kỳ bình dân. Nhưng mang đậm phong vị miền Trung, mộc mạc đến từng nguyên liệu, rất kích thích vị giác của đông đảo mọi thực khách.

Đặc trưng của món cơm gà xứ Quảng là vị mặn mà, cay cay rất riêng, ăn kèm dưa bóp chua, cay, giòn ngọt. Vị chua trung hoà với vị béo ngậy của thịt gà nhà nuôi, khiến món ăn trở nên ngon hơn và hấp dẫn hơn. Món này ăn no căng bụng, một lần thưởng thức là lưu luyến dài lâu. Và mỗi lần có dịp ghé đến miền Trung, đều mong muốn được nhâm nhi lại lần nữa, để thấm tháp hương vị xứ Quảng qua từng thớ thịt thơm ngon và chén cơm dẻo ngần.

Bánh Tráng Cuốn Thịt Heo

Nổi tiếng tại huyện Đại Lộc, món bánh tráng cuốn hay quấn thịt heo Quảng Nam hấp dẫn thực khách bởi sự đặc biệt thơm ngon, dai và dẻo. Thịt heo luộc được tuyển chọn, và mang đi thái lát lúc còn bốc khói nghi ngút nên giữ nguyên được độ ngọt. Rau ăn kèm cũng không kém phần cầu kỳ, toàn là những loại rau tươi và xanh non mơn mởn. Ngoài ra, nước chấm cũng đậm đà hương vị của cá biển, kết hợp vị cay nồng của ớt, gừng, một chút chanh. Bởi thế, từng cuốn bánh đều ngon đến độ phải xuýt xoa khó tả.

Bánh tráng Đại Lộc: Xem thêm…

Bánh Tổ

Gắn liền với Tết cổ truyền của ngời dân xứ Quảng, bánh tổ ẩn chứa tinh thần của người dân nơi đây, thẳng thắn, bộc trực, có gì nói đấy. Không biết bánh tổ xuất hiện vào thời điểm nào nhưng từ rất lâu rồi, những chiếc bánh tổ chế biến từ đường vàng nguyên chất cùng vừng trắng đẹp mắt luôn có trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ẩn sau những lớp lá và nhân bánh trông “nhà quê”, đó là gạo nếp với ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, màu nâu đất của nhân bánh nhấn mạnh sự vất vả của những bậc đi trước đã khai phá vùng đất xứ Quảng như ngày nay. Vị ngọt của đường gợi nhớ đến tâm hồn của người dân Quảng Nam, chân chất, thân thiện và vô cùng lạc quan.

Bánh tổ chỉ có vào dịp Tết hay các sự kiện giỗ lớn ở quê. Sau khi cúng bàn thờ tổ tiên, nó thường đem chiên lên để ăn. Cái vị ngọt thanh, giòn rụm ngon khó tả, khiến ai cũng ấn tượng và muốn mua ngay một ổ về làm quà cho người thân, bạn bè.

Bánh tổ

Rượu Hồng Đào

Nhắc đến Quảng Nam, không thể nào không kể đến Rượu Hồng Đào, “chưa uống mà đã say”, một thức uống đặc sản vang danh khắp cả nước. Rượu Hồng Đào có ở khắp Quảng Nam, huyện xã nơi nào cũng có. Rượu được nấu bằng gạo sau khi lên men và dùng cây tăm hương nhúng vào để tạo màu hồng, nên mới có cái tên là Hồng Đào. Đây là món quà mà người lữ khách phương xa không thể bỏ qua khi ghé thăm Quảng Nam.

Hy vọng với những gợi ý món ngon trên đây sẽ giúp bạn có một chuyến đi thú vị khi đến Quảng Nam nhé!