Tết Đoan Ngọ (Tết giết sâu bọ) hằng năm luôn là một sự kiện quan trọng của mỗi gia đình Việt. Ngày này rất phổ biến ở các nước Châu Á, mang nét văn hóa phương Đông đặc trưng, với nhiều những tập tục khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về ngày này như thế nào? - Cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Tết Đoan Ngọ là ngày gì?
Ngày 5 tháng 5 âm lịch mỗi năm được xem là ngày Tết Đoan Ngọ. Đoan nghĩa là mở ra, Ngọ là giờ trưa, từ 11 giờ đến 13 giờ. Như vậy, ăn Tết Đoan Ngọ là ăn Tết vào bữa trưa. Vì thế mà dịp Tết này chỉ thường tổ chức và buổi trưa trong ngày, để cả nhà cùng quây quần ăn uống thân mật.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ, ngày để các gia đình phát động bắt sâu bọ, loại bớt các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng trong vườn nhà và đồng ruộng, giúp cây trồng phát triển xanh tốt, cho nhiều quả ngọt.
Những việc nên làm vào Tết Đoan Ngọ
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, theo từng phong tục của người dân Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức, kèm theo những bữa tiệc gia đình ấm cúng với những món ăn truyền thống.
Bánh ú tro
Bánh ú tro hay còn có những tên gọi khác là bánh tro, bánh ú nước tro, bánh lá tre,… Nhân bánh dẻo mịn và cực kì trong trẻo với từng hạt nếp quyện vào nhau, đan xen một cách đẹp mắt.
Bánh ú tro có hình tam giác, bó thành từng chùm 10 cái, là loại đặc sản rất phổ biến chỉ trong dịp Tết Đoan Ngọ mới thấy, ngày thường bạn rất khó tìm mua. Một số vùng miền còn làm nhân bánh bằng thịt, đậu xanh, trứng mặn,…
Cơm rượu
Mỗi vùng miền tại Việt Nam lại có món cơm rượu khác nhau. Nếu như cơm rượu miền Nam vo thành từng viên tròn đem lên men cho hương vị thơm nồng thì cơm rượu miền Bắc lại có những hạt nếp rời nhau, vị béo. Còn cơm rượu miền Trung thì có hình dạng vuông vức, ít nước.
Thịt vịt
Ở miền Trung thường có phong tục cúng thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ. Thịt vịt có tính mát, dễ chế biến thành nhiều món khác nhau, làm đa dạng bữa ăn ngày Tết và tốt cho sức khỏe.
Chè hạt sen
Với tác dụng thanh nhiệt trong tiết trời oi bức của mùa hè, nhiều gia đình có nấu thêm chè hạt sen với đậu đen, bột sắn dây. Món chè nhẹ nhàng dùng làm món tráng miệng cực kì thích hợp.
Trái cây
Vải thiều, chôm chôm là 2 loại quả được nhiều gia đình mua sắm vào ngày Tết Đoan Ngọ vì trúng ngay vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, còn có cam, táo, quýt,… cũng sử dụng khá phổ biến trong ngày này.
Tết nửa năm - Tết Đoan Ngọ giờ đây không còn quá xa lạ đối với người Việt. Vì là ngày Tết nên cả gia đình sẽ sum họp bên nhau và làm nhiều món ngon để cúng ông bà tổ tiên và cầu nguyện những điều tốt đẹp đến với gia đình.
Những hoạt động trong dịp Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan ngọ tổ chức vào bữa trưa với sự tham dự của các thành viên trong gia đình, có thể mời thêm khách mời để nhân đôi niềm vui.
Là ngày diệt sâu bọ nên ở một số địa phương, người dân thường tắm nước lá mùi để tẩy trừ sâu bọ, thanh tẩy cơ thể. Các địa phương ven biển thì đúng 12 giờ là đi tắm biển.
Hoặc có nơi khi mặt trời đứng bóng, trong thời gian từ 12 giờ đến 13 giờ, mọi người thường rửa mặt thật sạch rồi nhìn lên mặt trời, nháy mắt (nam 7 lần, nữ nháy mắt 9 lần) để không bị bệnh đau mắt đỏ.
Một số địa phương còn tổ chức đi hái lá thuốc trong giờ Ngọ để về nhà sắc thuốc chữa bệnh vì tin rằng trong khoảng thời gian này, các loại cây thuốc sẽ phát huy được hết những công dụng hiệu quả.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn có thể hiểu rõ hơn về Tết Đoan Ngọ, một phong tục truyền thống, lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Chúc bạn và gia đình có một dịp Tết Đoan Ngọ ấm áp và sum vầy yêu thương.
Gợi ý
Nhận tin tức mới nhất ngay trong hộp thư đến của bạn. Nói không với spam!